Chi tiết

  • Thay mới hay tái chế bơm thủy lực

    Bơm thủy lực nói chung và các chi tiết khác như motor, xy lanh thủy lực là các bộ phận quan trọng và đắt tiền trong một hệ thống truyền động thủy lực. Chúng có thể hoạt động tốt và tin cậy trong một thời gian dài nhưng cũng có thể lăn quay ra bất cứ lúc nào nếu không được chăm sóc bảo dưỡng tốt. Nếu điều này xảy ra thì thật là rắc rối vì không dễ mua được ngay và đúng chủng loại vật tư mình cần. Thêm nữa là với các yêu cầu (thường là) rất gấp gáp về thời gian để có ngay hàng (nhập khẩu) là một cơ hội tốt để các nhà sản xuất bán hàng với giá cao hơn. Vậy là phát sinh ra khái niệm “đồ tái chế” hay là REMAN – REBUILD.


 

Tái chế một bộ phận thủy lực tức là quá trình sửa chữa, thay thế các chi tiết cần thiết để đưa thiết bị trở về trạng thái “gần như mới” về đặc tính làm việc & tuổi thọ phục vụ tiếp theo. Nói cách khác, bơm thủy lực sau khi được sửa chữa phải hoạt động tốt và bền bỉ như một cái bơm mới!

Trong phần lớn các trường hợp, tái chế giúp cho tiết kiệm chi phí hơn so với việc mua một bơm mới. Điều này đặc biệt thấy rõ đối với các loại bơm phức tạp, kích cỡ lớn và có giá thành khi mua mới cao. Tuy nhiên việc tái chế cũng không thể luôn luôn làm giảm các chi phí sửa chữa. Ví dụ, nếu chiếc bơm của bạn đã bị hỏng quá nặng thì chi phí để tái chế bơm nhiều khi cũng lên đến gần bằng chi phí mua mới một cái bơm.

Vậy khi nào nên thực hiện việc tái chế và yếu tố nào ảnh hưởng đến các chi phí để tái chế?

Chi phí tái chế bơm thủy lực phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố trong đó quan trọng nhất là:

- Thực trạng hư hỏng của các bộ phận trong chiếc bơm: Tất nhiên là nếu hư hỏng càng nặng thì chi phí thay thế các bộ phận càng nhiều.

- Các trang thiết bị, dụng cụ sửa chữa và

- Sự am hiểu về kỹ thuật, tay nghề của thợ sửa chữa.

Thông thường, công việc tái chế một chiếc bơm có thể được thực hiện ở ba nơi: Nhà sản xuất thiết bị sử dụng bơm thủy lực này – Nhà sản xuất chính chiếc bơm đó hoặc một Xưởng sửa chữa chuyên bên ngoài.

Nhà sản xuất thiết bị:

Thông thường các nhà sản xuất thiết bị hoặc đại lý bán hàng tại Việt Nam không muốn thực hiện công việc này. Họ muốn bán cả chiếc bơm hơn là tái chế nó, vốn phải đầu tư không ít về thiết bị, đào tạo con người… Hiện tại chỉ có một số ít các công ty như CAT, Komatsu, Hitachi, Volvo chấp nhận bán cho khách hàng một chiếc bơm đã được tái chế ở nước ngoài và nhận thu hồi lại bơm đã bị hư hỏng với giá trị trao đổi rất ít. Phần lớn các trường hợp giá trị khách hàng mua bơm tái chế của hãng cũng ngang ngửa với giá mua bơm mới. Cũng lưu ý thêm là cũng chỉ có một số rất ít các nhà sản xuất thiết bị có xưởng tự tái chế bơm cho mình. Đa số khác lại thuê lại nhà sản xuất chính cái bơm đó hoặc một đơn vị sửa chữa độc lập thực hiện công việc đó. Đấy cũng là lý do tại sao giá bơm sau khi tái chế của hãng lại cao.

Ưu điểm lớn nhất của việc sửa chữa tái chế từ nhà sản xuất thiết bị là do họ là người tổ hợp thiết bị nên họ nắm được các hư hỏng của bơm ở những điều kiện làm việc khác nhau. Mặt khác cũng do họ có nhiều khách hàng ở khắp nơi nên thường có sẵn các cụm bơm đã được tái chế sẵn sàng để trao đổi (Một số hãng gọi là Exchange Program). Lợi ích rõ rệt nhất từ Exchange Program đối với người sử dụng thiết bị là thời gian phải dừng máy chờ sửa chữa là tối thiểu.

Nhà sản xuất bơm:

Khi phát hiện ra bơm bị hư hỏng, thông thường người ta sẽ kiểm tra để nhận dạng chiếc bơm đó thuộc nhà chế tạo nào vì thực tế là có rất ít các nhà sản xuất thiết bị tự chế tạo luôn các cụm thiết bị thủy lực cho mình. Hầu hết họ chọn mua (hoặc đặt hàng riêng) một số ít các nhà sản xuất bơm thủy lực trên thế giới để về lắp trên thiết bị của mình. Sau khi đã biết được bơm của mình là loại nào người sử dụng có thể mang đến các nhà sản xuất bơm để yêu cầu họ thực hiện việc tái chế. Rõ ràng là nhà sản xuất bơm sẽ là người biết rõ nhất về sản phẩm của mình và sẽ đảm bảo được tốt nhất chất lượng hàng hóa sau khi tái chế.

Các lợi ích lớn nhất sẽ là:

- Phụ tùng chính hãng và chính xác: Điều này tưởng là đơn giản nhưng rất giá trị vì phụ tùng chính hãng sẽ đảm bảo chất lượng hoạt động. Các chi tiết từ nhỏ nhất trong chiếc bơm cũng được thay thế.

- Kiểm soát được chặt chẽ quá trình đánh giá, lắp ráp và kiểm tra, điều chỉnh các thông số làm việc đúng theo yêu cầu ban đầu nhờ có đầy đủ thiết bị và thợ sửa chữa được đào tạo.

Sử dụng dịch vụ của nhà sản xuất bơm quả thực là rất yên tâm nhưng lại không dễ dàng ở Việt Nam. Lý do là thị trường của chúng ta quá nhỏ bé nên chưa có nhà sản xuất bơm nào thiết lập được một cơ sở nhà xưởng để thực hiện công việc này vì chi phí đầu tư và vận hàng cũng không hề nhỏ. Một vấn đề nữa là tiêu chuẩn của nhà sản xuất bơm thường rất cao nên khi sửa chữa họ đều áp dụng tiêu chuẩn này trong việc thay thế bộ phận và do đó chi phí vật tư thay thế cũng tương đối cao.

Lấy một ví dụ đơn giản như thế này, một chiếc bơm piston trên một xe cẩu đã hoạt động bền bỉ trong khoảng thời gian 10 năm và đến nay đã bị tụt áp suất không thể làm hàng được nữa. Nếu chiếc bơm này được đưa đến xưởng sửa chữa của nhà sản xuất bơm để tái chế thì có thể đảm bảo chắc chắn là nó sẽ được sửa chữa thay thế để đạt được chất lượng gần như 100% như mới. Tất nhiên là chi phí sửa chữa của nó cũng sẽ cao. Tuy nhiên đơn vị sử dụng cẩu không muốn trả tiền cao như vậy vì hệ thống xe cẩu đã cũ, các bộ phận có năng lực hoạt động kém đi rồi thì chiếc bơm mới – khỏe – cũng chẳng giúp được gì.

Xưởng sửa chữa bên ngoài:

Đây là mô hình đang được thực hiện chủ yếu tại Việt Nam. Tuy nhiên cũng nên phân biệt rõ hai mô hình hoạt động hiện tại như sau:

Xưởng sửa chữa độc lập: Thường là các nhóm thợ sửa chữa riêng lẻ, thực hiện các công việc sửa chữa đa năng bao gồm cả điện, máy nổ, gầm bệ… Một hướng khác là các xưởng gia công cơ khí thực hiện việc chế tạo sửa chữa tại chỗ.

Ưu điểm của hệ thống này là tính linh động cao, sửa chữa được nhiều chủng loại máy khác nhau tại địa điểm thi công và giá thành sửa chữa nhìn chung là rẻ hơn rất nhiều so với các loại hình khác. Nhược điểm lớn nhất của nó lại là trình độ sửa chữa và hiểu biết chuyên sâu về thiết bị rất kém vì đa số thợ sửa chữa chỉ được đào tạo theo kiểu truyền khẩu hoặc kinh nghiệm từ việc “thử và sai” dẫn đến có nhiều sai sót làm đi làm lại và tốn kém về thời gian. Vật tư thay thế thì chủ yếu sử dụng những đồ nhái (after market) có chất lượng kém vì họ hướng theo hướng đồ rẻ hoặc do không thể mua được đồ chính hãng.

Một số xưởng khác lại đi theo cách sửa chữa cơ khí như mạ lại quả piston, đóng lại cốt block xy lanh, mài đĩa, sửa vỏ – thay đổi chuỗi kích thước lắp ráp… Các cách này đều gây ra thay đổi đặc tính làm việc cả chiếc bơm và chỉ có thể thực hiện mang tính tạm thời với đa số các trường hợp đều dẫn đến nhanh chóng hư hỏng và phá hỏng thêm trầm trọng nữa. Lưu ý là những trường hợp thay đổi này còn ngăn cản việc phục hồi nguyên bản bơm về sau nếu như việc sửa chữa ban đầu không đảm bảo được chất lượng. Ví dụ như nếu như bơm đã bị mài lại gối đỡ đĩa nghiêng, hạ thấp đuôi bơm, mài mỏng buồng bơm… thì nếu sau này muốn thay thế lại các chi tiết chính hãng cũng không thể thực hiện được nữa.

Các xưởng sửa chữa được ủy quyền của nhà sản xuất thiết bị hoặc sản xuất bơm: Để được các nhà sản xuất ủy quyền các xưởng sửa này phải đáp ứng được rất nhiều các tiêu chuẩn chặt chẽ của nhà sản xuất như: Hiểu biết sâu về sản phẩm, các thiết bị dụng cụ sửa chữa hợp chuẩn, phải có giàn test thử bơm phù hợp, các nhân viên phải được đào tạo và kiểm tra thường xuyên (phải tham gia các khóa đào tạo ở nước ngoài và phải thi lấy bằng sửa chữa), sử dụng các phụ tùng thay thế chính hãng, đúng nguồn gốc…

Ưu điểm của các xưởng sửa chữa này là chất lượng sửa chữa rất tốt và đáp ứng được đúng theo yêu cầu của người sử dụng. Các sai sót sửa chữa được loai trừ và thời gian sửa chữa nhanh chóng. Mặt khác, không giống như xưởng sửa chữa của nhà sản xuất bơm, vốn chỉ sửa chữa duy nhất các bơm do họ sản xuất, xưởng sửa chữa ủy quyền được phép thực hiện công việc với nhiều loại nhà sản xuất khác nhau nên thuận tiện cho người sử dụng có nhiều chủng loại thiết bị có nguồn gốc khác nhau. Các đơn vị này thường rất coi trọng uy tín thương hiệu của mình vì mục tiêu làm việc lâu dài. Họ cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ đầy đủ về mặt kỹ thuật, tài liệu sửa chữa, cập nhât thông tin sản phẩm từ nhà sản xuất cho công việc của mình đảm bảo chất lượng

Nhược điểm cố hữu của xưởng sửa chữa ủy quyền là chi phí sửa chữa cao hơn và vật tư thay thế không phải lúc nào cũng có sẵn trên giá để làm được ngay (tất cả các vật tư thay thế đều phải nhập khẩu và có hàng trăm loại bơm khác nhau do đó có hàng nghìn chi tiết cần phải dự trữ => Giá trị dự trữ hàng hóa rất lớn).

Sự khác nhau chủ yếu nhất khi so sánh với các xưởng sửa chữa độc lập là tính cam kết và thời gian bảo hành chất lượng sửa chữa của xưởng sửa chữa được ủy quyền. Các đơn vị sử dụng khi quyết định lựa chọn ai là người thực hiện công việc tái chế nên chú ý cân nhắc ở hai khía cạnh:

- Liệu việc sửa chữa, tái chế bơm có đạt được đúng theo yêu cầu hoạt động trong thời gian sử dụng dự định?

- Việc sửa chữa có được đảm bảo – bảo hành trong thời gian mong muốn? Liệu khi có yêu cầu bảo hành có được đáp ứng nhanh chóng và đúng cách?

Nếu việc sửa chữa không thể đảm bảo chất lượng phục vụ hoặc đơn vị sửa chữa không muốn bảo hành cho công việc của mình thì cần phải nghĩ lại và cân nhắc các chi phí bỏ ra nếu bơm không hoạt động tốt và các chi phí liên quan (như thời gian dừng máy, chi phí tháo ra, lắp vào, dầu mỡ, đi lại…) nếu bơm không được sửa chữa đúng cách.

 

 

Hỗ trợ trực tuyến

HOTLINE

Mr Hiệp

0945 521 238

0962 056 731

Sản phẩm mới

Facebook